Hiển thị các bài đăng có nhãn RTT45. Pháp Bảo Tam Tạng; Dharma Treasure Tripitaka. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn RTT45. Pháp Bảo Tam Tạng; Dharma Treasure Tripitaka. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2023

RTT45. Pháp Bảo Tam Tạng; Dharma Treasure Tripitaka


Đề tài: giảng luận số 45 (bốn mươi lăm)
Subject: lecture number 45 (forty-five)
Pháp Bảo Tam Tạng; Dharma Treasure Tripitaka
Tác giả: MINH ĐĂNG QUANG 
Author: MINH DANG QUANG
&&
Theo phiên bản, xuất bản năm 1993; By version, published in 1993; Hiệu chỉnh và dịch sang Anh ngữ, học trò nầy: tự học tiếng Anh-LÊ ĐỨC HUYẾN; Editing and translating into English, this student: self-study English-LE DUC HUYEN; (Trang 673; Page 687)
Muốn biết đức Phật A Di Đà, trước hết ta hãy hiểu qua cách tu thành đạo của Ngài.
I.- Trong sự tích có nói:
Thuở xưa có vua Vô Tránh Niệm, cai trị một nước lớn, quan đại thần của vua tên là Bảo Hải. Con quan Bảo Hải là Bảo Tạng, đi tu thành Phật hiệu là Bảo Tạng Như Lai, vua Vô Tránh Niệm cúng dường đức Phật Bảo Tạng và chư Tỳ-kheo Khất Sĩ, trọn ba tháng mùa mưa.
      Sau đó quan đại thần Bảo Hải tâu với vua, xin đừng cầu phước báu nhơn thiên hữu lậu, vì phước có hưởng là sẽ có hết, chi bằng hồi hướng phước duyên ấy, để sau này thành Phật tế độ chúng sanh.
       Vua bèn nhận lời, liền đến đảnh lễ Phật, cầu xin Phật chỉ dạy cho biết, thế giới nào trang nghiêm hơn hết? Phật khi ấy mới phóng hào quang soi khắp võ trụ chung quanh, để cho vua được thấy rõ thế giới An Lạc ở tại phương Tây, của đức Phật Độ Nhứt Thiết Thế Gian Khổ Não, là yên vui trong sạch hơn hết.
      Nên vua Vô Tránh Niệm bèn quỳ xuống đảnh lễ đức Phật phương Tây, và cầu xin với Phật Bảo Tạng, nguyện hồi hướng phước cúng dường này, để đặng sanh về cõi Tịnh độ tu cho thành Phật, để tế độ chúng sanh sau này. Liền đó đức Phật Bảo Tạng và đức Phật Độ Nhứt Thiết Thế Gian Khổ Não, thọ ký cho vua quả Phật về sau.
      Triết lý của sự tích này, là để chỉ rõ tiền thân của Phật A-di-đà, lúc đầu tiên mới phát tâm cầu đạo, là từ một người ác, trở nên thiện nhơn, và thành ra một người cư sĩ quy y Tam Bảo. Lý và sự này, là để chỉ ra tất cả, chớ không phải một người; vì sự có ra là do lý, bởi có lý mới có sự! Vậy thì ông Vua Vô Tránh Niệm đây tức là tâm niệm không tranh! Tâm là vua, là chủ tể các pháp. Vô tránh là không tranh hơn thua với ai, thường giữ sự bình đẳng nhu hòa, niệm là niệm tưởng ghi nhớ tâm chơn yên lặng, nhu hòa bình đẳng. Vua Vô Tránh Niệm tức là tâm niệm không tranh của một nhà từ thiện đối với sự tranh là ác, nên gọi là từ ác đến thiện! Cai trị một nước lớn, nghĩa là cai quản chủ tể của xác thân tứ đại, sanh tử lớn lao, trong ấy chứa đầy các pháp là quan dân trăm họ, quan đại thần Bảo Hải là trí thông minh quý báu sáng hay, rộng lớn như biển giã không bờ. Trí Bảo Hải có ra là do tâm niệm không tranh, của Vua Vô Tránh Niệm trong sạch.
      Con Bảo Hải là Bảo Tạng, Bảo Tạng là Pháp bảo tam tạng quý báu, tam tạng là kinh, luật, luận ba phần của Pháp bảo. Pháp bảo tam tạng có ra, là do sự sưu tầm quán xét của chánh trí, trí thiện quý báu, rộng lớn thông minh.
      Bảo Tạng đi tu thành Phật gọi Bảo Tạng Như Lai, nghĩa là Pháp bảo tam tạng, là pháp xuất gia giải thoát tấn hóa, tu hành đi đến chánh giác chơn như trở lại đặng. Cũng gọi là Như Lai sanh Bảo Tạng, Bảo Tạng sanh Như Lai. Nghĩa là tam tạng Pháp bảo để đến chơn như, chơn như sanh ra tam tạng Pháp bảo là Pháp tạng.
      Vua Vô Tránh Niệm cúng duờng đức Phật Bảo Tạng Như Lai, là nhà từ thiện đem hết lòng cung kỉnh Pháp bảo tam tạng, đem tất cả trí hóa thông minh, từ thiện, của cải của tâm, mà phụng trì điểm tô pháp chánh. Cúng dường ba tháng mùa mưa cho Phật với chư Tăng. Cúng dường ba tháng mùa mưa là lo chăm sóc phụng trì tam thừa, ba thặng Pháp bảo, nhằm lúc được Pháp bảo rưới mưa hiện đến, giáo hóa giác ngộ cho, trong khi nhập định tham thiền, (giáo lý chơn như, và Khất sĩ tức là Phật bảo và Tăng bảo).
      Cũng nhờ giác ngộ chơn như và Khất sĩ, cố gắng un đúc trau giồi, nên trí thông minh Bảo Hải không còn cho vua tâm niệm không tranh, tham đắm vọng tưởng mong cầu phước báu hữu lậu nhơn thiên phàm tục.
     Chánh trí chỉ cho tâm niệm đến với Bảo Tạng chơn như, để đặng về sau đắc thành chánh giác là Phật; ấy là quan đại thần Bảo Hải khuyên vua hãy dứt bỏ lòng phàm.
     Vua cầu Phật chỉ cho biết cảnh giới trang nghiêm, là tâm niệm thành kính chơn như Pháp bảo, để tầm sát sự thanh tịnh. Do đó mà hào quang của đức Bảo Tạng phóng ra khắp võ trụ, để cho vua thấy rõ thế giới An Lạc của Đức Phật Độ Nhứt Thiết Thế Gian Khổ Não tại phương Tây. Hào quang là pháp lý quý báu của chơn như, chỉ rõ ra rằng: cả võ trụ là vô minh phiền não ô trược, để cho tâm niệm xét thấy nhận ra, trong đời chỉ có xác thân giải thoát xuất gia Khất sĩ, là thế giới an lạc yên vui, của sự giác ngộ, độ diệt tất cả các pháp thế gian không còn khổ não, ấy là phương hướng trở đầu về Tây, của trí tắt nghỉ, mặt trời lặn, chết bỏ cảnh đời, sanh trong nhà đạo, bên này phiền não, đến chánh giác an lạc là bên kia, tức là Niết Bàn dứt luân hồi sanh tử khổ, là trong sạch tốt đẹp hơn hết, cõi lòng hết tham vọng.
     Vua Vô Tránh Niệm quỳ lạy đức Phật phương Tây và đức Bảo Tạng, mà hồi hướng phước duyên để cầu vãng sanh Tịnh độ, nghĩa là tâm niệm sau khi hiểu thấy tỉnh gặp, bèn nhứt tâm quyết định về theo Pháp bảo tam tạng, và diệt trừ tất cả phiền não của thế gian, mà hồi hướng sự tu học công đức ấy để trau tâm, đặng sau này đến liền được giải thoát Khất sĩ thanh tịnh lục độ; sống yên vui trong giới luật thiền định, để tu hành cho mau đắc quả, tiếp dẫn chúng sanh về sau.
     Nhờ thật tâm quyết định như thế, nên Pháp bảo tam tạng hiện đến lần lần, và sự diệt khổ thế gian, càng ngày càng thấy gặp được kết quả hiệu nghiệm, chắc chắn là chẳng bao lâu, tâm sẽ đặng chơn như toàn giác.
      Như thế tức là hai vị Phật thọ ký cho đó.
     Người thiện nhơn tâm niệm không tranh, đến với Pháp bảo, và diệt trừ khổ não, để trở nên cư sĩ trí thức giác ngộ đầu tiên tập lần Khất sĩ là phải y như vậy.
     Vua Vô Tránh Niệm đó tức là tiền thân của Phật A-di-đà, bình đẳng tánh, Vô Lượng Cam Lộ, hay là sự mới phát tâm tu tìm đạo, của người thiện nhơn tâm niệm không tranh. Vì có tâm niệm không tranh, mới sanh ra bình đẳng tánh. Bình đẳng tánh là Phật A-Di-Đà, hay giác ngộ Vô lượng cam lộ là Pháp Tạng vô lượng không lường, tế độ chúng sanh như mưa rưới mát mẻ ngọt ngào không dứt.
II.- Sự tích thứ hai về tiền thân của đức Phật A-Di-Đà là: Bấy giờ ở một xứ lớn kia, có một vị vua tên là Pháp Tạng. Vua bèn xuất gia Khất sĩ giải thoát, gọi là Pháp Tạng Tỳ-kheo, theo làm đệ tử của đức Phật Thế Tự Tại Vương Như Lai. Một lúc nọ Pháp Tạng Tỳ kheo quỳ xuống trước mặt thầy mà phát 48 lời đại nguyện, để lập thành cõi thế giới Cực Lạc, đặng diệt độ tất cả sự khổ não, cho kẻ nào có duyên với Ngài.
     Ngài nguyện sau mỗi câu rằng: nếu không được y như vậy, thì tôi quyết không thành Phật.
     Sau khi phát nguyện xong, tức thì có mưa hoa tuôn rưới, trên hư không có tiếng nói vang dội rằng: Chắc sẽ thành Phật đặng.
     Về sự tích thứ hai này, chơn lý chỉ thật rằng: trước hết từ người ác đến thiện và trở nên cư sĩ, là do tâm niệm không tranh, tức như Vua Vô Tránh Niệm. Tâm ấy lần lần đựơc tự chủ, thông suốt tam tạng Pháp bảo, nên mới chịu giải thoát Khất sĩ xuất gia y theo chơn lý, gọi là Pháp Tạng Tỳ-kheo. Đệ tử của Thế Tự Tại Vương Như Lai, nghĩa là tôn thờ chơn lý giải thoát làm thầy, đội lên đầu ghi nhớ, lấy có cho mình mỗi lúc, làm viên ngọc báu. Cả thảy các chư Phật nào, thành Phật cũng đều y như thế, có đội ngọc đỏ trên đầu là báu ma ni giải thoát vậy.
     Vì có giải thoát thì ra vào trong trần thế mới đặng tự tại thung dung, tâm chơn làm vua chủ, đến trở lại chơn như là Phật.
     Cho nên cũng gọi rằng: Pháp Thế Tự Tại Vương Như Lai là thầy của tất cả chư Phật, hay cũng là thầy của tất cả các Pháp bảo tạng. Vì bởi các pháp có ra là do giải thoát chơn như, và giải thoát chơn như sanh ra các pháp.
     Thuở ấy Pháp Tạng Tỳ-kheo quỳ xuống trước mặt thầy, phát ra 48 lời nguyện để lập thành thế giới Cực Lạc, độ diệt tất cả sự khổ não của những kẻ có duyên với Ngài. Nghĩa là đến đây vị Tỳ-kheo ấy tu hành đã đắc pháp, thâm nhập với pháp, thấy pháp là mình, chớ không thấy mình nữa, nên mới xưng danh là Pháp Tạng Khất sĩ, hay cũng gọi là Tam Tạng Pháp sư Bồ Tát; Pháp sư Bồ Tát tức là tam tạng. Vì tam tạng là kinh, luật và luận, là phép nuôi chúng sanh và vạn vật, để cho biến thành chư Phật, xứ Phật. Thế nên tam tạng là Pháp sư Bồ Tát, phổ tế chúng sanh khổ nạn, Pháp tạng là từ bi trí huệ, hạnh nguyện to lớn với tất cả chúng sanh và thế giới.
    Cả thảy đều ở trong Pháp bảo tạo thành, một khi Pháp Tạng đã tôn sùng bái phục sự giải thoát giác chơn, ấy là Pháp Tạng đảnh lễ thầy, quy y thờ kính giáo lý Thế Tự Tại Vương Như Lai, tức là Pháp bảo tam tạng ấy đã quay về một mục đích giải thoát cả thảy, và kể từ đó, nó sẽ hàm chứa biết bao nhiêu bổn nguyện, để tạo thành thế giới giải thoát khổ, cho cả chúng sanh, bằng kinh luật luận của nó, trên con đường đi của nó, thế là pháp giải thoát có đến 48 đại nguyện, cứu khổ giải thoát cho chúng sanh.
     Từ pháp ác đến pháp thiện, đến pháp cư sĩ tại gia và trở nên pháp Khất sĩ xuất gia giải thoát, mỗi lúc pháp đều có ba tạng, hôm nay ba tạng pháp ấy đã tôn thờ mục đích giải thoát làm thầy, như vậy là từ đó về sau kinh luật luận của nó, sẽ đều có một mùi giải thoát cả! Nó sẽ tạo nên người giải thoát, chỗ giải thoát, giáo lý sự dùng đều là pháp giải thoát vậy.
     Khiến nên tâm địa của ai đã đến được thâm nhập Pháp tạng giải thoát, là chỉ còn Pháp tạng giải thoát Khất sĩ, chớ không còn biết mình, và kẻ ấy sẽ trở nên Bồ Tát Pháp sư, tam tạng, gồm chứa đủ cả 48 đại nguyện của Pháp Tạng, mà thật hành kết quả, ắt sẽ thành Phật, vốn không sai chạy.
     Vậy thì sự thành Phật là do nơi pháp nguyện, nguyện của pháp giải thoát xuất gia Khất sĩ, ai hành đúng thì chắc sẽ thành Phật. Phật là giác chơn, chơn như là do trí huệ, chánh giác là do Pháp Tạng đại nguyện; pháp nguyện là từ bi, tinh tấn, giải thoát, thiền định, trí huệ, thì chơn như ắt sẽ tự nhiên xuất hiện từ lần mà đắc đạo đặng. Pháp nguyện mà thật hành đúng là sẽ thành đạo, đắc quả, giữa ta người, với cõi đời, mới là được thế tôn Phật; còn hành chẳng đúng, chưa làm Bồ Tát, thì đâu phải là Như Lai; thế nên đối với pháp nguyện, không đặng nên, thì có đâu thành Phật. Vả chăng pháp là độ kẻ hữu duyên, chớ vô duyên thì khó độ, cũng như thầy giáo lớp nhứt, thì chỉ có học trò cỡ lớp nhì bước lên đến gặp, mới gọi là bậc hữu duyên, chớ bậc hạ căn kém trí thấp xa, thì đâu có bước chơn vào ở được, nên mới gọi là pháp nguyện chỉ độ cho kẻ nào có duyên với Pháp.
       Sự thật đúng y như thế, nguyện luật của pháp linh diệu vô cùng! Cũng như trong xứ luật pháp là có đủ sự trang nghiêm tốt đẹp, bảy giới thất tụ Tỳ-kheo 243 điều, là bảy lớp báu lan can Pháp bảo! Bảy lớp lưới báu là bảy pháp diệt tránh quý báu lắm! Bảy hàng cây báu là bảy chánh giác bồ đề cao thượng! Tứ y pháp là mặt đất lưu ly, pha lê, vàng bạc! Đạo tràng như ao nước mát, các thứ trí huệ như bông hoa, bảy bậc nói pháp như chim kêu. Tưởng ăn có ăn, là Khất sĩ, ở trong giới luật giải thoát, ngày ăn một ngọ chay quen bụng, tới buổi trưa mỗi ngày mới nhớ ra, là đi khất thực sẽ có liền, hoặc như có người đem đến cúng dâng, cùng sự rước thỉnh đi trai ngọ.
       Tưởng mặc có mặc, là mỗi năm đổi một bộ y, giáo pháp Khất sĩ mặc một bộ tam y, đúng năm nhớ ra, là vừa cũ rách, đến ngày đổi lại. Chỗ ở thì đến đâu cũng có sẵn sự sắp đặt, bịnh hoạn thì tâm chẳng bận lo, vì đạo Khất sĩ giải thoát, ở trong đời là quý báu lắm, không hay từng gặp có nên ai cũng tôn trọng cả. Trong tâm buồn bực như nóng dơ, thì có người giảng dạy, là xối nước tắm cho mát sạch. Muốn nước đến đâu thì nước dâng đến đó, cũng như muốn học pháp đến bực nào, thì cũng có sẵn người chỉ dạy dâng cho. Tưởng chi có nấy, là tưởng pháp có pháp đủ đầy.
      Bồ Tát làm bạn lữ, là khi xuất gia rồi, thì tất cả là bình đẳng Khất sĩ như nhau, chớ không còn phân biệt, còn tiếng Thinh Văn là đang nghe pháp, Bồ Tát là đi dạy đạo, sau trước như anh em, danh từ nơi mỗi sự việc tuy khác nhau, chớ chơn lý giải thoát Pháp bảo là có một v.v…
     Trong cõi pháp nguyện thật là bình đẳng ôn hòa, tốt đẹp trang nghiêm, trong sạch, không sao tả xiết đặng.
      Vậy nên khi nào ai đã đắc Pháp tạng và thấy rõ ra đại nguyện của nó rồi, thì tự kẻ ấy vui mừng, chắc mình thành Phật đặng, do sự thật hành đúng của mình, là sẽ như có tiếng nói ra rằng: chắc mình thành Phật, tự mình cũng thấy trí mình nói ra như thế, và ai ai những kẻ bậc bề trên, thấy xem biết đặng, cũng đều khen tặng như vậy cả.
      Cõi đời đối với người ấy, sẽ tươi đẹp như rưới mưa hoa, ai ai những bậc cao trên thấy xem đều khen ngợi, như phún mưa hoa, và chính trí ta cũng sẽ khen ngợi tán thán chào mừng cho mình nữa.
      Cho đến hàng phụ nữ xuất gia vào trong cõi của luật pháp ấy rồi, thì cũng trong sạch như người nam tử, được vậy là do nhờ giới luật. Cõi ấy bất thối là bởi kẻ đủ trí mới xuất gia nhập đạo, khi giác ngộ đạo báu rồi, thì đâu còn trở lại. Người nào nghe pháp giác ngộ, hằng niệm tưởng đến năm mười tiếng pháp, kẻ ấy sau này cũng sẽ được giải thoát lần lần, diệt trừ nghiệp tội, xuất gia đặng, ấy là nhờ niệm pháp, mà pháp rước độ. Trong cõi ấy, cái chi cũng toàn là Pháp bảo cả, ấy là cõi của tinh thần thanh tịnh.
     Như thế thì đại nguyện là của Pháp tạng, ai đắc pháp tạng, quên mình, là sẽ như đại nguyện ấy của mình.
    [Link]  Ấy tức là 48 nguyện của pháp, là độ rước tất cả chúng sanh, là lập thành Cực Lạc thế giới, là dạy nuôi những kẻ trước sau có duyên với pháp. Ở trong giáo lý ấy xác thân tuy có bỏ, chớ tâm hồn vĩnh viễn sống thêm hoài, mãi mãi không đầy chật, không tiêu hoại. Ai ai cũng là có được pháp tạng đại nguyện ấy cả. Ai ai cũng sẽ là Phật, là vua pháp, Pháp vương, Pháp tạng vương như A-Di-Đà Phật. Mà muốn đắc như Phật A-Di-Đà là phải trước đến với sự tích triết lý của pháp thứ hai này, nghĩa là phải từ cư sĩ đến Khất sĩ đã. Vì đến Khất sĩ giải thoát, thì mới gặp 48 đại nguyện, và từ đó hành đúng theo là mới sẽ thành Phật tạo nên thế giới Cực Lạc giữa trong cõi đời cực khổ vậy.
III.- Lại như vầy nữa, mà người tu Tịnh độ cần nên phải biết hiểu thêm, về sự thành đạo của đức Phật A-Di-Đà.
      Trong sự tích có ghi rằng: Một kiếp chót của Ngài tên hiệu là Amita, Tàu dịch là A-Di-Đà, nghĩa là vô lượng cam lộ. Ngài là một vị Tỳ kheo Khất sĩ, ở chung một Giáo hội, cầm đầu Giáo hội ấy, có một vị trưởng lão, là một vị Phật quá khứ tái sanh trở lại.
      Một hôm vị Trưởng lão đến chỗ tháp thờ Phật, mà lấy cái chén bịt vàng, liệng xuống gạch cho nát bể, bấy giờ ông kêu hội lại tất cả chư Tỳ kheo, mà hỏi rằng: ai làm rớt bể cái chén tốt quý này? Cả thảy chư Tăng đều nói là không biết đến! Trong số đó chỉ có A-Di-Đà thì lặng thinh không trả lời, vì ông nghĩ rằng: cái chén bể, lẽ tất nhiên là có người đụng chạm, nhưng cả thảy chư Tăng đều nói không biết đến, thì hỏi vậy chớ ai vào đây, không lẽ là vị sư Trưởng lão, mà nếu không ai chịu nhận, thì ra vụ này còn hạch hỏi lôi thôi, trong đạo ắt bị mang tiếng xấu xa chê ngạo; thôi ta hãy nên tính cho êm xong, ta hãy lặng thinh để lãnh tội cho vị sư nào vô ý đó, cho vị ấy an lòng, bớt lo sợ và đặng vững yên tu học.
      Thế là Ngài lặng thinh suy nghĩ, khi ấy Trưởng lão mới nói lớn lên rằng: A-Di-Đà, ngươi lặng thinh, tức là ngươi phạm tội ấy đó. Vậy muốn cho hết tội, ngươi phải chịu phạt công quả mười năm, mỗi buổi sáng vào rừng lượm củi, chiều tối phải nấu nước thắp đèn cho Giáo hội. Phải làm công quả, hạ mình thấp thỏi hơn hết. Khi đó A-Di-Đà ưng lòng vui chịu, thật hành công quả cho đến đủ mười năm như vậy, mà trong tâm rất vui, không than phiền chi cả. Tỏ ra rằng: tâm tánh đức hạnh đủ đầy tròn trịa tốt đẹp. Vị trưởng lão thấy vậy rất vui mừng. Một buổi sáng kia, Ngài bèn hóa hiện ra một cái thây ma chết của người thế gian, nằm tại chỗ tháp thờ Phật, thúi hôi dơ dáy, lại có ruồi lằn bu đậu, vòi tửa nhúc nhoi ghê tởm. Vị Trưởng lão liền bảo Tăng chúng đem đi chôn cất quét rửa giùm, làm cho ai nấy thảy dang ra xa, lảng tránh đi nơi khác, mà nói rằng: Chúng tôi là bậc trong sạch, không làm được việc ấy, hãy để cho A-Di-Đà về tới làm cho. Bữa ấy đã mãn công quả mười năm rồi, nhưng A-Di-Đà cũng hãy còn đi gánh củi làm việc như thường. Khi về gần tới Giáo hội, có chư sư chạy kiếm đón đường, cho hay tự sự, và mượn A-Di-Đà hãy lãnh lo giùm! A-Di-Đà bèn ưng chịu. Vừa về tới cửa, bỏ bó củi xuống, liền xách cuốc nơi tay, đi lại vác xác chết nọ đem chôn. Vị Trưởng lão bảo rằng: ngươi hãy độ cơm đi, rồi sẽ chôn cũng không muộn. A-Di-Đà bạch rằng: Bạch Đại Đức, hãy cho tôi chôn rồi cho sớm, để lâu dơ thúi chỗ tháp Phật không nên. Tôi nhịn ăn một bữa cũng xong được, vì như vậy là trong tâm yên ổn trong sạch. A-Di-Đà lại gần xác chết thì không thấy mùi hôi thúi nữa, khi vác lên vai không mấy gì nặng, đi được giữa đường thì như nhẹ bổng, không còn có chi hết. Bấy giờ Ngài giựt mình ngó lại, thấy xác thân ấy đã hóa ra một tòa sen vàng, rực rỡ ánh sáng, sực nức mùi thơm, bay bổng lên không trung, và lần lần hạ đáp xuống ngay trước mặt. Chư Thiên Bồ Tát đều rải hoa chào mừng, khen ngợi tán thán, và thỉnh Ngài lên ngự tòa sen vàng, đặng bay về Cực Lạc. Lúc đó A-Di-Đà sửng sốt, chẳng biết rõ thật giã ra sao nên lo sợ ngần ngại không dám bước ngồi. Chư Thiên, Bồ tát thúc giục mãi, làm cho A-Di-Đà bối rối, mà suy nghĩ rằng: ta vốn người trong sạch, dầu ma quỷ có gạt, nhắm cũng chẳng sợ chi, vậy ta cũng nên thử xem thiệt giã ra sao cho biết. Ngài bèn bước lên tòa sen an tọa, tức thì hào quang trong mình phóng chiếu sáng ra, thân thể sắc hiện vàng ròng, áo Phật oai nghiêm tề chỉnh, tinh thần an trụ tươi sáng như nhiên, các phép thần thông hiện đủ, trí huệ toàn giác trọn đầy.
       Ngài chứng quả Như Lai thành Phật. Sau đó Ngài bay trở về Giáo hội, để tạ ơn Trưởng lão, và cùng Trưởng lão hóa hiện tòa sen, đưa bay về hướng Tây thế giới Cực Lạc. Thế là từ đó về sau, Tăng chúng cùng kẻ thế gian, ai ai cũng vái nguyện rằng: Nam-mô A-Di-Đà Phật, Nam-mô tiếp dẫn đạo sư A-Di-Đà Phật. Nghĩa là kính lạy vô lượng cam lộ Phật, kính lạy tiếp dẫn đạo sư vô lượng cam lộ Phật.
      Đó là cách tu thành đạo của Phật A-Di-Đà.
    Vậy sự tích này, triết lý giải ngay ra rằng: Sự tu thành đạo đắc quả của một người, bắt đầu từ tâm niệm không tranh, trở nên cư sĩ, là nhờ sùng bái Pháp bảo tam tạng nên về sau được xuất gia Khất sĩ, đắc Pháp tạng đại nguyện, thành Bồ Tát pháp sư và nơi đây vị Bồ Tát Pháp sư ấy, lại có tên gọi là A-Di-Đà vô lượng cam lộ! Nghĩa là không lường Pháp bảo, Pháp bảo là cam lộ! Vô lượng cam lộ là bậc toàn giác viên minh, Pháp vương vô ngại, Như Lai Phật, thầy của các bậc Pháp sư Bồ Tát, pháp lý này để chỉ rõ rằng: Khi Ngài gần thành Phật, Ngài đã lập nên những giáo hội Tăng già quốc độ Phật rồi, nhưng mà lúc nào Ngài cũng vẫn khiêm nhượng, tôn thờ chư Phật quá khứ làm bậc bề trên trưởng lão, Ngài gọi là đạo của chư Phật, chớ chẵng phải của Ngài, Ngài chỉ là một phần tử giúp công thôi. Ngài chỉ biết phận sự của Ngài là lo tu, tu cho mình, tu cho tất cả. Ngài xem ai nấy cũng như bạn lữ, và Ngài còn hạ mình thấp hơn Tăng lữ, đệ tử của Ngài nữa. Ngài không cho ai gọi Ngài là thầy, Ngài cũng không nhận ai là học trò, Ngài thật hành đúng phép bình đẳng không tranh, y theo chơn lý võ trụ.
      Cái bát vàng bể, là bát chánh đạo, quý báu như vàng của chư Phật quá khứ, sự để đạo lại, tức là chén báu; gặp hồi mạt pháp, đạo bát chánh chia rẽ tông giáo như bể nát tan, đạo ấy có ra cũng do chư Phật, mà bể nát cũng do chư Phật; đạo bát chánh thành, là thời kỳ chánh pháp, pháp Khất sĩ Tăng già; đạo bát chánh hoại là thời kỳ mạt pháp, tông giáo bát chánh cư sĩ tại gia; hai giáo pháp ấy tương đối cùng nhau, tùy theo căn cơ trình độ của chúng sanh mỗi lúc, thảy đều do nơi chư Phật giáo hóa tạo ra cả. Đó tức là vị Trưởng lão đập bỏ chén đó, thế mà Tăng sư không ai nhận tội, nghĩa là đến lúc đạo Phật chia rẽ, giáo pháp suy đồi, căn cơ chúng sanh siển bạc, thế mà Tăng chúng toàn là bậc Thinh Văn, Duyên Giác, không có ai là đại Bồ Tát Pháp sư, đứng ra nhận chịu là tội của mình, cho rằng: tại mình phước đức thiếu kém, vì mình ít tu, tạo gây nhiều nghiệp tội để đời, tích trữ sự tai hại cho chúng sanh thấp kém, nên đạo pháp mới ra nông nỗi như vậy.
      Bởi thế cho nên đại Bồ Tát A-Di-Đà, thấy không có ai đứng ra lãnh lấy nghiệp tội của chúng sanh, Ngài cho là người ta chê cười xấu hổ, Ngài mới hết lòng bảo lãnh trách nhậm; thế là Ngài phải chịu mười năm công quả, tức là Ngài trau giồi thêm mười phép thập độ; thập độ đây là: bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn, trì giới, thiền định, trí huệ, từ vô lượng, bi vô lượng, hỷ vô lượng và xả vô lượng. Mỗi ngày đều lượm củi gánh về buổi sáng, chiều lại nấu nước, tức là mỗi niệm của trí huệ, tỏ sáng ra là giáo hóa tế độ chúng sanh, như lượm củi khô, người trí gánh vác nhiệm vụ hoằng pháp cư gia, để đặng thâu Tăng; chiều lại khi nghỉ ngơi, thiền định, là lo tu hành sôi kinh nấu sử luyện rèn thêm và làm gương cho trong Tăng chúng, như vậy tức là Ngài có đến hai bổn phận, vừa giác ngộ cư gia gom thâu nhập đạo, và lại dạy cho hàng Khất sĩ Tăng già nêu gương đèn huệ nữa, để cho được tròn xong thập độ, thì trí huệ toàn giác chơn như sẽ thành tựu viên mãn, mới là thành Phật. Chính trong lúc Ngài sắp thành Phật, là Ngài thấy ra đạo pháp cao quí đáng tôn thờ của Phật, như là bửu tháp nằm trơ đứng lặng, như chai chết trong giữa cõi đời, không còn ai kính trọng. Chúng sanh trong đời là sống bằng xác thân vật chất; như một cái thây đã chết trơ, tham sân si tam độc thúi giòi tuôn ra dơ dáy, họ chết mất tinh thần, không còn tâm hồn đạo lý chi cả, thế mà họ lại nằm nơi tháp Phật, dựa bên đạo Phật, ôm đeo cốt Phật, làm bẩn nhơ cho đạo Phật, hôi thúi cho Tăng già. Ấy là giáo pháp của chư Phật đến lúc biến ra như vậy; thế mà trong Tăng chúng ai cũng cứ mảng gọi là lo tu, tự độ, bảo thủ lý thuyết, sở kiến của mình, sợ sệt kẻ vật chất như thây ma, gớm ghê ác gian như giòi thúi, mà đành để vậy chịu, chẳng biết làm sao? Khi ấy chỉ có bậc đại Bồ Tát vô lượng cam lộ, mới không đành để vậy, Ngài trau tâm công quả vừa xong, giác chơn đã tròn đủ, thế mà Ngài không cần màng sự an hưởng Niết Bàn giữa sự tròn sáng như buổi cơm trưa ấy. Ngài lật đật vội gánh vác sự độ đời thêm nữa. Ngài xách cuốc trí huệ, để đi đào xới cõi trần, đặng chôn sâu lấp bỏ vật chất ác tham, trên bước đường dài giáo hóa, Ngài gánh vác nghiệp tội, chúng sanh, càng lúc càng thấy giảm bớt nặng nề, Ngài lướt xông vào cõi đời, càng cho là sự vui hay, mà không màng chê dơ thúi. Mặc dầu Ngài chưa đến chỗ chôn thây, cũng như chưa độ dứt hết nghiệp tội chúng sanh, nhưng sự tế độ lâu ngày đã quen, nên Ngài xem ra như không còn có chi nặng nhọc nữa cả; mà đó là sự vui vẻ nhẹ nhàng, những chúng sanh của Ngài tế độ, họ sẽ là tòa sen vàng của Ngài, họ tôn Ngài là ngôi giáo chủ ngồi trên họ. Họ là tòa sen vàng vì bởi họ đã mặc được áo của pháp giải thoát quí báu như vàng và họ hết lòng chung hiệp thờ Ngài; họ tôn tặng Ngài là giáo chủ của họ.
      Bấy giờ các bậc trí thức danh nhơn cư sĩ chư Thiên, và các bậc pháp sư khất sĩ Bồ Tát khác ai ai cũng thảy phún mưa hoa chào mừng tán dương ca tụng khen ngợi, mà gọi Ngài là xứng đáng bậc thầy hết thảy, thế là gánh nặng vác thây của Ngài, đến nửa đường, chưa được đến nơi trọn vẹn, mà tâm trí đã tròn thành, đạo quả đã xuất hiện, Ngài đã thật giải thoát, không còn chi rộn nhọc như là bổn nguyện đã rồi xong, như sự quên hết mọi việc, sau buổi cơm no, sau cơn làm mệt là ngủ quên, thế là tâm Ngài đã giác chơn đại định, đã an trụ không còn xao xuyến, Ngài yên nghỉ trong sự lặng thinh, trên sự tôn thờ của tất cả. Và cũng là chừng đó, trí huệ thần thông mới thật gọi đầy đủ, danh sáng chói khắp thế gian, là hào quang; thân Ngài người ta quí trọng như vàng. Trước kia Ngài mãi khổ nhọc thấp thỏi xấu xí lo tu, làm con trò tất cả, ngày nay vì mối đạo to, phận sự bắt buộc, Ngài phải giữ tư cách đạo hạnh của bậc thầy, để làm gương cho kẻ khác, chớ chư đệ tử không ai để cho Ngài hạ mình thấp xuống nữa. Chừng ấy người ta mới thấy rõ tướng tốt cách đẹp của ông thầy, do nơi các công đức tu hành học đạo của ông từ lâu tạo thành. Tức là oai nghi hạnh kiểm của một ông thầy trang nghiêm đúng đắn, do sự không tự cao chấp ngã vậy.
       Và cũng kể từ đó là Ngài đã hiệp chung với chư Phật quá khứ trưởng lão, nền đạo giải thoát tòa sen của các Ngài, như đã đưa các Ngài lên đến địa vị nghỉ yên như của bên kia thế giới Cực Lạc, là sự giải thoát hoàn toàn, an lạc hoàn toàn, bằng tâm thanh tịnh. Các Ngài không còn phải lam lụ bẩn dơ theo việc thế trần, như bên này nữa. Các Ngài đã như đốc học, giáo tổ, các Ngài chỉ chứng minh và dạy đạo chút ít cho Bồ Tát Tăng sư bậc thầy, chớ không còn lo cho cư gia thế sự. Vì dưới các Ngài, là đã có biết bao nhiêu người tiếp thay, nối chí theo như nguyện hạnh của các Ngài (đối với tất cả chúng sanh là lẽ chung, việc chung).
      Nên các Ngài vẫn yên nghỉ, chơn tâm không còn vọng động.
     Đức A-Di-Đà Vô lượng cam lộ, là một vị Phật, sau các chư Phật quá khứ, sau khi Ngài đã được đắc Tây phương Cực Lạc của chơn tâm rồi, thì những kẻ trước kia đồng tu với Ngài, ở chung Giáo hội, tôn thờ chư Phật xưa, từ đó họ mới chịu tôn thờ trở lại Ngài, và tất cả người trong thế gian sau này, ai ai cũng muốn đến được như Vô lượng cam lộ A-Di-Đà, về y theo như đức A-Di-Đà Vô lượng cam lộ. Và bởi họ sợ tâm mình biếng nhác dễ duôi xao lãng, nên ai nấy thường nhắc nhở, cho tâm mình, và mọi người rằng: Nam-mô A-Di-Đà Phật, Nam-mô tiếp dẫn đạo sư A-Di-Đà Phật, nghĩa là kính lạy Vô lượng cam lộ Phật, kính lạy tiếp dẫn đạo sư Vô lượng cam lộ Phật.
    Như thế nghĩa là đức Phật ấy, nhờ vô lượng cam lộ mà được thành Phật, đắc giáo chủ Tây phương Cực Lạc tinh thần Tịnh độ hiện tại. Vậy thì chúng ta, ai ai tất cả, niệm đến tên Ngài, thì phải nên vô lượng cam lộ y như Ngài mới sẽ chắc là thành Phật cõi Phương Tây, của tâm, tại đây đặng.
    Vô lượng cam lộ, nghĩa là Pháp bảo vô lượng tiếp dẫn chúng sanh. Ai ai cũng thật hành theo được, và cũng đắc được Pháp bảo ấy hết! Có hành đạo Bồ Tát mới đắc quả Như Lai vậy.
     Pháp bảo có ra là do chư Phật quá khứ. Pháp bảo là thầy của chư Phật hiện tại và vị lai, thay thế cho chư Phật quá khứ.
     Vậy thì, nhứt là trong những thời kỳ xa Phật, chúng ta phải nên thờ Pháp tạng hơn là thờ cốt tượng Phật, vì cốt tượng Phật không có dạy dỗ quý báu bằng Pháp tạng.
      Vả lại, chư Phật xưa kia, được thành Phật là bởi cả thảy đều do nơi Pháp tạng.
     Thế nên gọi Phật A-di-đà là có trước Phật Thích-Ca. Chính như đức Thích-Ca Mưu-Ni ấy mới phải gọi đúng danh là Vô Lượng Cam Lộ Vương Như Lai, A-Di-Đà Phật.
      Cả thảy chư Phật nào cũng là A-Di-Đà cả. Đúng theo chơn lý, A-Di-Đà Phật, là đức Thích-Ca, là một người chớ không phải hai vị.
     Phật A-Di-Đà cũng tức là chơn tâm bình đẳng của mỗi người. Từ Vua Vô Tránh Niệm, đến Pháp Tạng Tỳ-kheo, đến Vô Lượng Cam Lộ là ba nấc thang đi đến đắc thành chánh đẳng chánh giác Phật.
    Vậy thì ai ai cũng có chơn tâm Phật A-Di-Đà, và thân Khất sĩ là Cực Lạc Tây phương ấy hết.
Tổ sư MINH ĐĂNG QUANG; Patriarch MINH DANG QUANG